CỰ LY QUAN TRỌNG RA SAO?
Có lẽ người tập boxing, ai cũng đã từng nghe qua cụm từ kiểm soát khoảng cách/cự ly. Nhưng…nó thực sự có nghĩa là gì?
Nhiều người đánh đồng nó với việc sử dụng chân và jab thật nhiều - nhưng như vậy chưa đủ. Kiểm soát khoảng cách cũng liên quan đến việc kiểm soát nhịp độ trận đấu, nhằm mục đích cuối cùng là tìm ra một khoảng cách phù hợp nhất với nhịp độ mà mình muốn.
Khoảng cách và nhịp độ suy cho cùng có thể coi là một, vì chúng gắn chặt với nhau, như kiểu hai mặt của cùng một đồng xu. Hai đấu thủ càng ở gần nhau, cường độ trận đấu sẽ càng cao. Từ xa, cả hai sẽ di chuyển xung quanh, rình rập và tìm cơ hội. Từ khoảng cách ngoài rìa tầm đánh, đó là một cuộc chiến footwork, với những bước chân nhảy vào nhảy ra. Khi tiến vào tầm đánh, sẽ xuất hiện những pha đổi đòn rực lửa. Gần hơn nữa là nơi người ta bắt đầu vật lộn với nhau, thường sẽ kết thúc với sự can thiệp từ trọng tài.
Mỗi cự ly sẽ thích hợp hơn với những dạng đối thủ khác nhau, ví dụ:
Ta giữ khoảng cách xa (ngoài tầm đánh):
- Trước những đối thủ có lực đấm mạnh, hung hăng– khoảng cách an toàn, cho ta đủ thời gian để set-up các đòn đánh, tránh việc phải đổi đòn liên tục.
- Trước những đối thủ cao lớn – tương tự, cho ta thời gian suy nghĩ cách vào đòn.
Ta giữ khoảng cách một mét (vừa ngay ngoài rìa tầm đánh):
- Trước những đối thủ thấp hơn – tận dụng lợi thế sải tay
- Trước những đối thủ chậm chạp – tận dụng sự linh hoạt của đôi chân
- Trước những đối thủ kém hơn về kỹ năng - “outbox” họ
Ta giữ khoảng cách một cánh tay (trong tầm đánh):
- Khi muốn đổi đòn, đánh đòn mạnh
- Khi muốn gây áp lực lên đối thủ
Và khoảng cách gần (đánh cự ly gần, sát sườn):
- Nhằm hãm nhịp trận đấu, cho ta vài giây nghỉ ngơi
- Nhằm áp đảo những đối thủ thua thiệt về cơ bắp.
THIẾT LẬP CỰ LY
Tiếp đến, ta sẽ nói về những gì một võ sĩ phải làm để có thể thiết lập được cự ly mong muốn.
- Để duy trì khoảng cách xa: di chuyển liên tục, và/hoặc tung đòn đủ nặng để khiến đối thủ dè chừng. Hoặc đôi khi bạn chẳng cần làm gì cả, nếu đối thủ cũng có phong cách cẩn trọng, dè chừng giống bạn
- Để duy trì khoảng cách ở rìa tầm đánh, cỡ 1 mét: di chuyển ra - vào liên tục, tốc độ dồn đòn nhanh
- Để tiến vào tầm đánh: cắt góc võ đài, chặn đầu, tiến lên, và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia đổi đòn.
Kiểm soát nhịp độ và khoảng cách phụ thuộc rất nhiều vào sức bền, footwork, lực đấm và tất nhiên, kỹ năng boxing tổng thể của bạn. Bạn cần sự kết hợp của tất cả những yếu tố này nếu muốn hoàn toàn kiểm soát được khoảng cách. Nếu bạn không có đôi chân khỏe hay sức bền tốt, bạn sẽ cần có phòng thủ vững chắc và đủ sức mạnh để đổi đòn.
- Những người có lợi thế về sức bền sẽ có cơ hội tốt hơn trong việc thiết lập cự ly họ muốn.
- Những người có lợi thế về kỹ thuật sẽ đánh được bất kỳ cự ly nào mà không gặp nhiều khó khăn.
- Những người có lợi thế về sức mạnh sẽ có khả năng tốt hơn trong việc giữ đối thủ ra xa khỏi bản thân.
- Những người có footwork tốt sẽ dễ dàng thay đổi cự ly liên tục.
THAO TÚNG TÂM LÝ
Cự ly và nhịp độ, ở một góc độ nào đó, cũng chỉ là một khái niệm tương đối. Nó phụ thuộc không hề nhỏ về cảm nhận của mỗi võ sĩ.
Cùng một cự ly, nhưng mỗi võ sĩ sẽ có một cảm nhận khác hẳn nhau. Võ sĩ thấp hơn luôn cảm thấy mình quá xa đối thủ, trong khi võ sĩ cao hơn lại cảm thấy như đối thủ lúc nào cũng ở trong tầm đámh. Võ sĩ chậm hơn luôn cảm thấy như mình không thể tìm được cách nào để vào đòn. Người đang thất thế thì luôn cảm thấy như trận đấu diễn ra với nhịp độ nhanh hơn những gì mình muốn.
Một phần của việc kiểm soát cự ly và nhịp độ là tìm cách để khiến đối thủ cảm thấy những gì mình muốn ta cảm thấy. Điều này phụ thuộc vào cách bạn di chuyển, tấn công và phòng thủ.
Thí dụ, nếu ta muốn đối thủ cảm thấy:
Rằng ta đang ở xa: cố gắng giữ cơ thể và đầu ngoài cự ly, và thường xuyên đỡ đòn bằng cách đưa tay ra xa khỏi mặt một chuý. Điều này khiến đối th cảm thấy như phải vượt qua một rào cản nào đó trước khi có thể chạm vào ta.
Rằng họ đang ở trong tầm đánh của ta – liên tục làm việc, liên tục tác động lên đối thủ. Chạm găng vào găng tay, cánh tay, hoặc vai của anh ta - để khiến đối thủ cảm tưởng như mình lúc nào cũng có thể đánh được họ.
Rằng ta đang rất chủ động và trực diện, muốn đẩy nhanh cường độ – tung, hoặc giả những cú tay phải, hoặc móc trái. Hoặc thậm chí khi đối thủ bo cao tay đỡ đòn, ta vẫn đánh một hai cú thật mạnh vào găng tay của anh ta.
Rằng ta khá thụ động – liên tục di chuyển ra ngoài tầm đánh hoặc phòng thủ một cách hời hợt.
Rằng ta rất khó lường – liên tục thay đổi nhịp độ. Ví dụ, ta có thể đỡ những cú jab của đối thủ một cách hời hợt, rồi bất ngờ phản công dữ dội khi họ tung đòn tay phải.
Viết bình luận
Bình luận